Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Tục giỗ tổ Hùng Vương
Nói về việc thờ cúng tổ tiên và quan niệm về “đời sống” sau cái chết trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ:
- Tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên có mặt trong văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, trước khi các tôn giáo, hệ tư tưởng như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo truyền vào. Nho giáo không giải quyết được vấn đề đời sau, chỉ chú trọng hiện tại mà thôi; con người sống và phục vụ đời sống hiện tại, tập trung xây dựng một xã hội dựa trên cương thường, tránh bàn đến chuyện thần linh, ma quỷ. Lão giáo lại chủ trương siêu thoát thần tiên, tạm coi là đã tiết chế dục vọng, hướng tới một đời sống lành mạnh, gần với tự nhiên.
Riêng trong truyền thống Phật giáo, cái chết rất bình thường ngay từ ở Ấn Độ. Người chết rồi thì hỏa táng thả xuống sông, hay trên những vùng núi cao, người ta để xác cho chim ăn, tục đó vẫn duy trì cho đến hiện nay và họ cũng không có lăng mộ, đền đài. Tuy nhiên, khi các tôn giáo này du nhập vào Việt Nam, hầu như đều phải tôn trọng, không có sự phản bác nào với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Thế kỷ XVII, khi đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam, tôn giáo này không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên, chỉ đặt niềm tin và thờ phụng Thiên Chúa. Trong sách Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre de Rhodes, có một điều được nhắc đến đó là người theo đạo Thiên Chúa phải tuyệt đối gạt bỏ các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Bởi lý do đó, những chính quyền quân chủ trước đây cấm đoán nghiêm ngặt đạo Thiên Chúa vì cho rằng tôn giáo này khiến cho quần chúng Việt Nam đánh mất đi cái gốc văn hóa.
Nói như vậy để thấy rõ, đối với người Việt, sự thờ cúng tổ tiên rất quan trọng, vượt ngoài phạm vi tín ngưỡng, tôn giáo đơn thuần. Tam giáo Nho - Phật - Lão đều phải chấp nhận điều đó. Ngay tới sau này, Giáo hội Công giáo La Mã cũng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và có những cải cách cho phép tín hữu Công giáo Việt Nam được thờ cúng tổ tiên, phá bỏ bức tường ngăn cách người Việt với đạo Thiên Chúa.
Việc thờ cúng tổ tiên của người Nam Bộ có gì đặc biệt?
PV: Quan niệm “sống ở, thác về” đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt; ông có thể nói rõ hơn về quan niệm dân gian này?
- Người Việt coi trọng việc phụng thờ ông bà cha mẹ nhiều đời sau khi thác cũng ngang với phụng dưỡng cha mẹ ông bà còn sống. Họ luôn bị chi phối bởi niềm tin rằng “sống ở, thác về”: cõi âm của người chết là một thế giới chuyển tiếp từ cõi sống sang. Ông bà cha mẹ lìa đời thì trở về với tổ tiên họ tộc ở cõi âm, và dù có chết đi, vẫn quanh quẩn cùng con cháu. Từ đó mà có giỗ chạp, như một dịp để con cháu tưởng nhớ, làm những món ăn ngày xưa ông bà cha mẹ thích để dâng cúng. Ngày Tết, người ta tin ông bà cũng từ cõi âm về ăn Tết cùng con cháu, sáng pha trà tối dâng cơm như khi ông bà cha mẹ còn ở đời.